HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN - CON ĐƯỜNG ĐẠI NGHĨA

Thủ bút: Hoàng Hưng
Ngày: 09/06/2014
Nguồn: HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN 

Vua muốn gỗ, tôi đốn sạch rừng
Vua muốn cá, tôi vét cạn sông
Vua muốn quyền lực, tôi tàn sát
Trung nguyên trong suốt mấy ngàn năm qua đã tồn tại trong một trật tự nực cười nhưng vĩ đại như thế. Thứ xiềng xích khổng lồ trong tam cương ngũ thường của Khổng giáo bao trùm lấy nhiều thế hệ, khắc sâu trong đầu mỗi con dân rằng vua là mệnh trời, vua là tất cả “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”… phải, vì vua là thiên tử, là con của trời xanh, được suy tôn, thờ phụng như thần thánh, mệnh vua tức là mệnh trời khiến con dân không ai dám cãi…

Cao ngạo như Tôn Sách cũng luôn hỏi trời cao có ủng hộ mình không, tự tôn như Quan Vũ cũng nhất nhất “ý trời rất khôn lường”… Từ nho sĩ trí thức cho đến mãnh tướng sa trường vẫn luôn giành hết mực kính trọng đối với trời xanh… thứ mà họ không hiểu, không với tới được… Bởi thế, những kẻ cầm quyền lực cũng chỉ dám khép nép sau trời, dựa hơi vào quyền năng ấy mà tự xưng “thiên tử” tức con của trời…
Nhưng…
… thi thoảng cũng có những kẻ dám cãi lại “ý trời”…
Năm đó, vùn vụt lao qua những cánh đồng khô hạn, những vụ mùa mất trắng, len lỏi và tàn phá khắp các kinh đô trù phú, những cơn lốc mang màu hoàng hà cướp bóc đi tất cả những gì chúng có thể cướp, giết chết bất cứ thứ gì chúng thích … Trong đám bụi mù đó có những thây ma hoan hỉ trong cơn cuồng loạn với những chiếc khăn vàng quấn trên đầu… vung vẩy lá cờ chân lý mà tam vị thánh nhân họ Trương đã ban cho chúng…
“Trời xanh đã chết !”
Bốn chữ “trời xanh đã chết” mà giặc Hoàng Cân tung hô mang một ý nghĩa rõ ràng, đanh gọn mà dễ hiểu: Khi thuận lợi, ta cúng kiến, thờ phượng trời xanh, khi bội thu, ta cung phụng, chăm chút cho ngai vàng của thiên tử… nhưng thiên ý ở đâu khi trời xanh mang hạn hán, thiên tai vùi dập chúng sanh? Thiên tử ở đâu khi con dân của ngài lầm than kêu thán khắp thế gian? Chỉ có một đáp án duy nhất: trời xanh đã chết ! Phải, vì trời xanh đã chết nên bỏ mặc con dân, tín đồ của ngài. Vì trời xanh đã chết nên những kẻ mạo nhận “con trời” chỉ là một lũ dối trá, thế nên, suy cho cùng, chỉ có tự cứu lấy chính mình chứ không thể trông mong sự đoái hoài của trời xanh... Vì vậy, chỉ có hai lựa chọn: chết trong sự bỏ mặc của trời xanh, hoặc vùng lên, làm mọi thứ để cứu lấy chính mình…

Trong thời điểm ấy, những kẻ khốn cùng ấy như tìm thấy chút ánh sáng hy vọng từ những vị tiên nhân họ Trương để rồi vô tình cùng nhau điểm hỏa cho cơn bão hỗn loạn của thời đại bùng cháy dữ dội, tạo nên một cái cớ cho hùng cường khắp nơi nổi lên để bành trướng cho tham vọng của mình…
“Rừng dù rộng lớn cũng không đủ cho lửa cháy”
Đốm lửa Hoàng Cân nhanh chóng bị dập tắt trước sức mạnh của liên quân anh hùng các cứ, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho đám cháy lớn hơn bùng phát… Kẻ có can đảm đẩy thiên hạ vào bậc thang kế tiếp của sự hỗn loạn, phủ cái bóng bạo tàn lên khắp thiên hạ: thái thú Tây Lương – Đổng Trác.

Đổng Trác là hiện thân cho sự kết hợp giữa những phẩm chất của một bá chủ và tính phóng khoáng, bạo tàn của người Tây Lương. Y xuất hiện với cặp mắt trắng dã, giọng cười đầy kiêu ngạo, ngang tàng như cách y bắt thiên tử ngự dưới bàn tọa của y, như cái cách mà y tạo nên con đường đế vương màu đỏ khi lăn trì mấy trăm viên quan bất phục, là kẻ khiến đại thần Viên Ngỗi cứng họng chết trong bàng hoàng khi tranh luận về lễ nghĩa, là kẻ khiến Viên Thiệu đuối lí khi luận về hưng vong của quốc gia, là kẻ mà bất bại quân sư Giả Hủ toàn tâm toàn ý theo phò tá…

Khoác lên mình cái vẻ ngang tàn, khát máu bề ngoài, con đường đại nghĩa mà Đổng Trác theo đuổi có thể tóm gọn trong hai chữ: cải cách.

Việc đầu tiên mà hắn làm chính là: phế trưởng lập thứ, loại bỏ ngay một Lưu Biện yếu hèn và đưa ngay một Lưu Hiệp giàu tiềm năng lên chấp chính. Trong quan niệm mấy ngàn năm phong kiến, phế trưởng lập thứ vốn là cãi lại mệnh trời sẽ khiến thiên hạ phẫn nộ nhưng y vốn không quan tâm. Cái y quan tâm là y thấy được một con rồng con oai phong trong lúc truy sát Thập Thường Thị. Con rồng con uy nghi đó đã khiến y phải cung kính hạ mình theo đúng phép tắc, cho y thấy lại một Hán Triều hùng mạnh như ngày xưa… Cảnh tượng đó sau này một lần nữa được lập lại tại Hoa Lâm khi Lưu Hiệp tát Tào Tháo vì tội cứu giá chậm trễ… Việc đầu tiên mà Đổng Trác làm, thể hiện quan niệm của y rất đơn giản mà rõ ràng: kẻ có tài cần có đất dụng võ, bất kể thân thế, xuất thân, tuổi tác. Việc một kẻ ngang tàng như Đổng lại chủ trương duy trì dòng máu Hán thất có thể là chút ánh sáng còn sót lại của một kẻ tôi trung với mong muốn phục hưng lại triều đình, hoặc có thể đơn giản hơn chính là chiêu bài: bắt thiên tử lệnh chư hầu… trong lòng Đổng nghĩ gì thực sự không ai biết được nhưng chí ít với tư tưởng đó, những kẻ có tài sẽ càng có đất dụng võ trong thời đại của hắn…

Việc thứ hai gắn liền với đại nghĩa của binh pháp hắc ám mà Giả Hủ và Quách Gia tôn thờ: thanh trừ toàn bộ, tẩy sạch bộ máy triều chính.

Những kẻ chống đối với những quyết định của y, những kẻ không bằng lòng với vị hoàng đế mới, những kẻ “đứng chật triều đình, để dân chúng lầm than” tất cả đều phải được tẩy sạch. “ Sức mạnh của nghịch tặc lớn hơn tất cả. Chỉ khi máu đổ thành sông con người ta mới thấy hối tiếc là gì. Oắt con, hãy để Đổng mỗ dùng sinh mạng và máu, dùng sức mạnh và bạo tàn, lập nên thời đại mới” . Hôm đó sử sách đã ghi lại Đổng Trác giết hại hàng ngàn trung thần, ô danh ngàn thu nhưng cũng chính hôm đó, có kẻ khai nhãn cho rồng con, mở ra con đường đế vương màu đỏ, chí ít, niềm hy vọng cho thời đại mới cũng đã nhen nhóm.

Trong giấc mơ của Đổng Trác, Lạc Dương cũng là hiện thân của một quá khứ thối nát cần phải vùi dập để nhường chỗ cho một tương lai mới tóm gọn trong cái gọi là “một kinh đô của người Tây Lương”, với y, huynh đệ của y, những kẻ vào sinh ra tử bao năm giữ vững bờ cõi quốc gia mới xứng là những người cai quản triều đình. Lạc Dương cũng cần phải bị xóa sổ như đám quan lại bất tài, và càng phải kéo theo cả đám quần hùng cát cứ đầy dã tâm như Viên Thiệu.

Đổng Trác không hẳn là hiện thân của binh pháp hắc ám, chỉ đơn thuần con đường mà y đi trùng với cách thức mà binh pháp này tiến hành, bởi thế y mới được Giả Hủ nhất mực theo phò. Con đường mà Đổng Trác đã chọn không sai, thậm chí cả Tào Tháo sau này cũng đi lại trên con đường ấy mà xưng bá thiên hạ, chỉ tiếc họ Đổng thích đi theo cách ngang tàng của mình, và để có thể ngang tàng như sở thích, Đổng buộc phải mạo hiểm “cưỡi hổ”, để lấy uy “hổ” trấn áp quần thần… chỉ tiếc y không lường hết dã tâm của con mãnh thú dưới quyền.

Đó là con đường đại nghĩa của Đổng Trác, vị chúa công duy nhất mà cái chết của y từng khiến Giả Hủ rơi lệ, là kẻ mà Quách Gia nếu xuất sơn sớm hơn chắc cũng đã nhất nhất theo phò. Hai bộ óc trí tuệ của Bát Kỳ gắn bó với nhau bởi cùng chung một lý tưởng, những kẻ nguyện cả đời đi theo đại nghĩa của binh pháp hắc ám. Lý lẽ của binh pháp hắc ám rất ngắn gọn, hàm chứa trong hình ảnh mà lần đầu Tứ Kỳ xuất hiện: quốc gia này, thời đại này giống như một căn nhà bị mục rỗng bên trong, không cách nào cứu vãn, chỉ có thể nhanh chóng giật sập đi để xây lại cái mới hoàn toàn nên mới có cái gọi là “muốn cứu thiên hạ trước tiên lại phải giết cả thiên hạ”, để rồi “phía sau bóng tối sẽ là ánh sáng của sự hồi sinh”.

Lý lẽ tưởng nghe qua rất hợp tai nhưng thật ra nó lại là một con đường cực đoan. Một căn nhà đã cũ đúng là nên giật sập đi mà xây mới, nhưng kì thực, liệu đã hết đường cứu chữa “căn nhà” ấy ? Kẻ vô tâm, không gắn bó với một căn nhà có thể thẳng tay giật sập căn nhà đó, nhưng nếu là một căn nhà đẩy ắp kỉ niệm, gắn liền với những giá trị thiêng liêng của cả một thế hệ thì phá bỏ có là đúng đắn? Nó giống như việc quyết định có nên chặt hạ cây ngàn năm tuổi nằm chắn trên đại lộ sắp mở, hay việc đập bỏ đền, thờ, di tích cổ để lấy mặt bằng mà dựng xây những thứ mới phục vụ cho lợi ích kinh doanh thì có đáng không? Một thể chế phồn thịnh nhưng không còn những giá trị gốc, không còn những gì thiêng liêng của truyền thống thì sẽ duy trì được bao lâu? Đó là chưa kể tới chuyện, miệng bảo “cứu thiên hạ” nhưng lại sẵn sàng giết người vô tội để phục vụ cho binh pháp của mình, là đại nghĩa hay chỉ để phục vụ cho lợi ích riêng ? Kể cả Quách Gia cũng không có câu trả lời, bởi thế y vẫn sử dụng sở trường: binh pháp hắc ám của mình, nhưng thi thoảng lại lặng thinh vài giây, nghĩ ngợi gì đó mà thốt lên “phía cuối con đường hắc ám chỉ có địa ngục mà thôi”.

Gần như trái ngược binh pháp hắc ám, con đường mà Nhị Kỳ - Tuân Úc chọn lại là con đường “dưỡng” hay ngắn gọn, y chỉ cần tìm “người có tâm trồng lúa”. Thuyết sách của Quách Gia khiến Tào Tháo đi theo con đường máu để nhanh chóng dựng cơ đồ, ngược lại, dưới kế hoạch của Tuân Úc, Tháo buộc phải lưu giữ lại di vật của tiền triều: thiên tử - Lưu Hiệp. Úc chọn Tháo đơn giản vì y nghĩ rằng Tháo có một chút “tâm trồng lúa” và quan trọng nhất, là có thực lực để “trồng”. Y tin tưởng dưới sự phò trợ của mình thì “ Tuân Úc còn – hoàng thượng còn – Hán triều mãi mãi trường tồn”. Tiếc thay, Tào Tháo không phải là con rối đơn giản để Úc điều khiển… sau này Úc mất, nhà Hán diệt vong, Tháo thành chúa Ngụy…

Hai kẻ đối lập trong Bát Kỳ lại tề tựu dưới trướng Mạnh Đức, liệu có mâu thuẫn không? Không, trái lại rất hợp với phẩm chất của Tào Tháo. Tháo là một kẻ bá chủ có khát vọng, có dã tâm, nhưng sẵn sàng lắng nghe Tuân Úc vờ bại trận, nghe Quách Gia để mang tiếng bạo tàn khắp thiên hạ… Lắng nghe và “giả vờ” thuận theo ý thuộc hạ là phẩm chất bá chủ thiên bẩm của họ Tào, khiến nhân tài khắp nơi đều tề tựu dưới trướng y để lập thành đế chế hùng mạnh nhất thời đại, y có thể giết người không gớm tay, nhưng có thể tạo ra những bức thư giả danh chiêu hàng cả đệ đệ của mình để tha một mạng cho những kẻ trót cấu kết với Viên Thiệu trong trận chiến Quan Độ, có thể dùng ba tấc lưỡi khiến Quan Vũ xiêu lòng, khiến Tôn Sách ngẩn ngơ tự vấn, nhưng ngay sau đó có thể bạo tàn ngay lập tức “nhi tử của Lưu Bị đã giết chưa? Giết một con chó được một con rồng, chiêu của chúa công quả là không tệ”… Một kẻ biết tiến biết lùi, một cách phát huy và tạo điều kiện cho thuộc hạ cống hiến, biết cương biết nhu đúng lúc, đại nghĩa của Tào Tháo không rõ ràng, nhưng có thể hiểu qua cách mà Thủy Kính tiên sinh gọi họ Tào “ năng thần thời bình, gian hùng thời loạn” . Y đơn giản là một kẻ thông minh, biết làm điều đúng để gầy dựng thế lực.

Đứng trước thế cục của thời loạn, kẻ có lòng cứu thiên hạ thì nhiều, đại nghĩa mà mỗi kẻ theo đuổi lại càng không đếm xuể, nhưng tựu trung chỉ có hai con đường: hoặc lật đổ cái cũ xây cái mới, hoặc giữ lại những gì còn có thể mà sửa chữa, tu bổ, xây cất lại từ đầu.

Họ Viên, gia tộc lớn nhất thiên hạ đã chọn theo con đường thứ nhất. Trong khi Viên Thiệu không dám hủy hoại tên tuổi của gia tộc mà dành hết tâm huyết vào đứa con rơi của mình, hòng toàn vẹn cả đôi đường. Viên Thuật lại chọn một con đường thật thà mà khẳng khái hơn: xưng đế ! Đại nghĩa mà Viên Thuật theo đuổi tóm gọn trong câu nói khi y lên ngôi “ Thiên hạ sao phải của họ Lưu mà không phải họ Viên”. Và cứ thế, tam công gia tộc chìm trong đống lửa hỗn loạn của thời cuộc… Tôn gia cũng là những kẻ lao theo con đường đầu tiên nhưng họ biết đây là con đường rất dài và gian khổ, nên kẻ đi trước lao đến mở đường, kẻ đi sau tiếp tục lấn tới, đại nghiệp phó thác vào “thâm ý của sự sinh sôi”

“Phá” đã khó, “giữ” cũng không dễ chút nào. Trước thời chia ba thiên hạ, có hai kẻ thực sự muốn cứu quốc: một là kẻ đứng đầu Tôn gia, kẻ rơi lệ dùng khăn choàng lao vào cứu lấy Hàm Dương như cứu vớt chút sót lại của căn nhà cũ, kẻ thứ hai là một kẻ bán hài cỏ, lặng lẽ “cướp một thành, cứu hai thành”, khẳng khái từ chối Kinh Châu mà Đào Khiêm nhường lại, kẻ như “một bức tường có mái che, tường dù nhỏ nhưng đứng dưới vẫn rất yên tâm”… Cái cách Lưu Bị xuất hiện như ngầm ám chỉ cho con đường thay đổi nhân cách đầy gian nan mà Lưu Bị phải đi, y nhân nghĩa nhưng phải vờ như quan tham mới cướp thành mà cứu được thành, y nắm cái mạng Đổng Trác trong tay, công lao lớn nhất thiên hạ, nhưng lại quăng đi vì y biết “ Đổng Trác chết đi, quần hùng mất mục tiêu sẽ lao vào cắn xé nhau thiên hạ lại đại loạn”, cũng chính y, kẻ buồn thiu nhìn chiếc ngai vàng to lớn mà Viên Thuật bỏ lại, ngậm cười buồn vì nhìn ra kẻ muốn giữ lại cái “gốc” của nước nhà xem ra chỉ còn lại y, nhưng cách y đang làm không mang lại hiệu quả.

Tào Tháo khi nhìn Lưu Bị đã bảo “anh hùng thiên hạ xem ra chỉ có ta và các hạ”, Lưu Bị lại khiêm tốn đáp lại Tào Tháo ở ngoại thành Từ Châu “hai chúng ta là cùng một loại người, chỉ có đường đi khác nhau mà thôi”. Phải, làm bá chủ thì phải dứt khoát, biết tiến biết lùi, biết tranh thủ cơ hội, muốn lấy nhân nghĩa rải khắp thiên hạ trước hết phải có cái uy để thiên hạ khiếp sợ… sau bao thăng trầm, Huyền Đức cũng có đủ dũng khí vứt bỏ cái mặt nạ nhân nghĩa để làm điều “con người nên làm”, và rồi một thế lực ở phía Tây dần hình thành…

Lại nói về một kẻ đứng ngoài cuộc chơi nhưng luôn nhúng tay vào những sự kiện quan trọng nhất: nhà Tư Mã mà tiêu biểu là tinh hoa lớn nhất dòng họ: Tư Mã Ý. Lí lẽ của Trọng Đạt rất đơn giản “thiên hạ thời này đi đâu cũng gặp kẻ xấu, chi bằng chọn kẻ có thực lực nhất, phò tá hắn thống nhất thiên hạ, sau đó soán vị cải chính không phải tốt hơn cho thiên hạ sao?” . Thoạt nghe, khá giống với đại nghĩa của binh pháp hắc ám rằng “đau khổ chỉ là nhất thời, hạnh phúc sẽ đến ngay sau đó” nhưng kì thực đó chỉ là lí lẽ của đám thương nhân. Nhà Tư Mã muốn tốt cho “thiên hạ” ư? Không bao giờ ! Thiên hạ càng loạn, nhà Tư Mã lại càng giàu, bởi họ biết kinh doanh trên thời cuộc. Bỏ vốn đầu tư khắp thiên hạ, khích bác các thế lực đánh nhau để đứng giữa mà bán vũ khí cho cả hai bên khi cần…

Lí lẽ đó bị Khổng Minh vạch trần ngay từ đầu “lời ta nói là đạo nghĩa, lời ngươi nói là lí lẽ của con buôn”. Đại nghĩa của Tư Mã Ý đơn thuần chỉ là “lợi ích của nhà Tư Mã” cho dù phải đánh đổi bằng bất cứ giá gì… Bởi thế, ngay cả khi gia tộc lâm đại hoạn, y vẫn có thể cúi đầu hầu hạ kẻ thù để bám víu con đường của mình. Có người khen hắn nhẫn nại, kẻ lại bảo đấy là cách trả thù cay nghiệt nhất dành cho kẻ thù tận diệt gia môn, nhưng không, từ đầu đến cuối, Trọng Đạt chỉ đi theo con đường mang màu sắc “thương gia” mà hắn tâm niệm. Cứu thiên hạ là gì khi sẵn sàng phò tá kẻ ác giết hại người dân vô tội? Không, dân có chết bao nhiêu hắn cũng không quan tâm, kể cả đại gia tộc bị tiêu diệt hắn vốn chỉ có chạnh lòng đôi chút, bởi vì chỉ cần là kẻ mà hắn cảm thấy có khả năng thống nhất thiên hạ nhất thì dù là kẻ thù hủy diệt gia môn, hắn sẽ đi theo phe đó để trục lợi sau cùng…

Đối lập với Tư Mã Ý chính là Khổng Minh, một kẻ mà đường đi lại có nét lận đận giống Lưu Bị. Những bước đi đầu tiên của Khổng Minh cũng chỉ là dùng tài năng giải cứu những nhóm người nhỏ lẻ, mãi chưa tìm ra đường cứu cả thiên hạ. Nhìn thiên hạ chém giết nhau mà chạnh lòng rằng “lòng người như thế tạo nên sự ngụy biện thiên cổ”, ai cũng bảo vì quốc gia, xã tắc cuối cùng cũng chỉ mưu lợi cho riêng mình. Ngọa Long là mà gã cổ hủ, một gã cho rằng việc duy trì lòng trung thành thì thiên hạ sẽ bình yên, ngược lại, việc soán vị cải chính chỉ khai ngòi cho những kẻ dã tâm ngày đêm âm mưu lật đổ mà xưng bá. Sau cùng, Thất Kỳ đã ngộ ra con đường đại nghĩa của mình, lưu luyến một chút gốc gác của họ Lưu nhưng đặt trọn tâm trí vào tay bá chủ xứng đáng nhất, để mà xây dựng, sửa chữa lại căn nhà dột nát đó…

Xen lẫn hai con đường lớn ấy, có những kẻ chọn đi con đường rất lạ của riêng mình. Một chiến thần tâm niệm “ so với việc giết cả thiên hạ để xưng bá, thủ đoạn nhận phụ rồi đoạt quyền không phải tốt hơn sao?”, một kẻ mang trong người tâm niệm “anh hay cẩu hùng cũng chỉ là đồ chơi của lịch sử”, kẻ hiểu rõ nhất chân lý “thiên hạ của cao tổ cũng do đánh mà ra”, một kẻ muốn thoát khỏi tam cương, ngũ thường để vùng lên làm người… cuối cùng, nhận nhát đâm của Điển Vi cùng với lời đanh thép “sống là để trung thành”, y chỉ còn biết cười trừ khi nhận ra “ buồn cười nhưng vĩ đại, lại là trật tự của thời đại này”

Một kẻ y thuật cao minh, lấy con đường phép thuật, mị dân làm đại nghĩa, bởi dưới con mắt của y “đám Bát Kỳ hay bá chủ trong thiên hạ, vì tranh quyền đoạt lợi mà dày xéo thiên hạ thì có khác gì đám Thập Thường Thị ngày xưa?”. Vu Cát chọn con đường mị dân, làm thiên hạ tin rằng y có phép thuật, dùng phép dụ người đã xây dựng thế lực, một phương pháp không binh đao, giữ lấy xương máu của thiên hạ… lẽ ra y đã thành công nếu không đụng chạm tới những bá chủ khác vốn quyền lực hơn y… một thiên hạ thống nhất với những lời mê hoặc của Vu Cát chưa chắc đã tốt, nhưng chí ít, con đường ấy ít máu xương hơn nếu y có thể mê hoặc cả thiên hạ…

“Phá” hay “giữ” luôn là một cuộc tranh luận mãi không có hồi kết, bởi cuối cùng, nó sẽ bị vùi dập bởi cung, tên, giáo mác lẫn mưu kế lọc lừa. Kẻ “phá” bảo đám ngu dân cố chấp, cứ bấu víu những gì mục nát rốt cuộc cũng chỉ chỉ kéo dài thêm chiến tranh vô nghĩa. Kẻ “giữ” bảo nhà không giữ được gốc thì sẽ mãi lưu vong, tàn phá sẽ dẫn đến tranh chấp loạn lạc. Đề rồi cuối cùng người ta lại hay bảo : Lịch sử do người chiến thắng viết ra – đúng nhưng chưa đủ bởi đó là cách dùng mục đích để biện minh cho phương tiện, đem kết quả để đánh giá hành động.


Phải, hậu duệ Tư Mã Ý là kẻ chiến thắng sau cùng, lịch sử nhà Tấn không viết nhiều cho các thế lực đối địch nhưng bằng cách nào đó, danh tính của Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo v.v… lại được lưu danh ngàn đời, người người ca tụng. Bạn có thể bảo đó là do La Quán Trung ưu ái nên thêu dệt ưu điểm cho những nhân vật đó, nhưng thứ văn chương mà La Quán Trung lưu lại, được tích cóp từ dã sử, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian mà dưới đặc tính của thể loại truyền miệng này, mỗi người kể lại đều là đồng tác giả. Tại sao một số được người dân lưu giữ và ca tụng, số khác lại không ?

Tại sao nhân dân lại lục đục kéo theo Lưu Bị để rồi bị Tháo truy sát mà không chịu ở lại để yên lành? Tại sao họ Tôn thấy đại binh Tháo kéo đến sao không đầu hàng cho nhanh cho chóng lập lại hòa bình? Khi gặp kẻ thất thế giữa đường, bạn có dám đứng ra bênh vực hay lờ đi để bảo toàn bản thân? Hay là chực chờ cơ hội nhảy vào “hôi của” như triết lý của nhà Tư Mã? Lí do là vô cùng nhưng tham, sân, si vốn là bản ngã trong mỗi con người, ai cũng cố khoác lên người những lớp mặt nạ, tìm cho mình một cái cớ hợp lí … trắng đen khó lường… con đường đại nghĩa chưa bao giờ rõ ràng lại càng không dễ đi, nhưng vốn dĩ chân lý luôn có cách tỏa sáng của nó, có cách tồn tại riêng của nó cho dù phải trải qua bao lâu và bao nhiêu cuộc tranh luận đi nữa…

Đừng vội trả lời, thực tâm mà đáp… con đường đại nghĩa luôn sẵn có đáp án trong lòng mỗi người.
----------
Để cập nhật những nội dung mới nhất, hãy ấn theo dõi mình qua những kênh bên dưới:
Anchor  
Blogger
 

#nos #hoaphung #podcast 

 

 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Ấn 'Theo dõi' để cập nhật nội dung mới nhất