HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN - NHỮNG CÁI CHẾT Ở BẠCH MÔN LÂU


Thủ bút: Hoàng Hưng
Ngày: 08/12/2010
Nguồn: HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN


Hôm đó trời rất lạnh… lạnh đến mức mặt nước quanh Hạ Phì rúm ró, co cứng lại, biến thành một con đường cho đám quân đông đảo ùa vào… Bạch Môn Lâu vẫn trơ người nhìn tuyết rơi. Cái dị vật 400 tuổi của tiền triều thờ ơ nhìn cảnh đồ thán dưới chân mình. La hét, máu đổ, đầu rơi… những thứ đã xảy ra quá nhiều trong suốt 400 năm qua, thứ gì đến cũng phải đến, kết thúc của cái cũ là khởi đầu của những cái mới… vì thế, chả có gì để tiếc thương, chả có gì để hoài niệm…

Tiếng gào thét lặng dần dưới chân Bạch Môn Lâu, tuyết hững hờ rơi từng hạt nặng… phía trên đỉnh lầu một cái bóng rơi xuống trong tuyệt vọng…

… Đâu đó… tiếng ca ai oán ngày nào trong doanh trại Tây Lương vọng về… vũ điệu ngang tàn hòa trong ánh lửa… để rồi lửa thiêu rụi dần những hoài niệm…
“Anh đào khẽ hé làn môi
Hai hàng bạch ngọc hát lời Dương Xuân”

“Bịch” ! Có tiếng ồn ào của binh lính, tiếng dây trói, lôi kéo, nhưng kẻ mà cả đám đông hung hãn đang hướng tới tuyệt không nói một lời…
“Trời xanh lại trêu ngươi ta…
…sâu trùng ở đây… nghĩa là ý chí của người chưa nguội lạnh…
…ta … chỉ là kẻ ngu dại nhất thiên hạ…”
“Giết chết bọn hoạn quan!” tiếng gào rú của đám binh sĩ, những con người một thời sống trong địa ngục dưới thời Thập Thường Thị, nay trút hết mọi căm hờn lên cái thân hình nhỏ bé ấy… cánh tay vẫn vươn dài, chờ đợi một gương mặt, một bóng hình của kí ức hiện về như kí ức ở Hoãn Thành… nhưng không có gì cả… vì nhật hội thực, nguyệt hội khuyết… cảnh tượng cuối cùng chỉ còn cái nghiến răng trong đau đớn của Tư Mã Lang, hai hàng nước mắt chảy giàn giụa… tự hỏi kẻ không biết đau đang ở đâu trong cái ngày định mệnh ấy… nhưng cái chết ấy chỉ là sự bắt đầu…

* * *
… Người nói tiếng người… chim hót tiếng chim…
Sao bảo trung thần bất thờ nhị chủ ? Sao lại bảo chim khôn chọn cành mà đậu?

Chân lý là ở đâu?
…Trung hiếu nan lưỡng toàn…
Dưới chân lầu, một lão già bảo thủ của tiền triều bước từng bước trong sự suy tư cuối đời của mình. Ván cờ cuối đời mà ông đã thất bại, nhưng đó chẳng phải là điều ông quan tâm, cái trong đầu ông là câu nói của một binh sĩ “ Nương tử đưa mẹ về nhà đi ! Đừng để mẹ bị lạnh !”. Lão già bị kéo ra khỏi suy tư của mình bởi giọng nói của bá chủ :
- Ngươi nói ngươi già, vậy còn mẹ và con gái vẫn còn sống, khi ngươi chết, họ sẽ ra sao?

- Sao số mệnh của mẹ và con ta phải gắn với ta?

- Ngươi đã đọc qua nhiều kinh thư sao còn nói vậy?
- Ta bất tài nhưng không phải ngu dốt. Tào đại nhân lấy chữ hiếu làm đầu chắc sẽ không làm khó gia đình người khác…đại nhân sẽ không bỏ mặc gia đình những người đã chết vì đại nhân chứ? …Đại nhân sẽ làm thế cho thiên hạ thấy đại nhân là kẻ đạo đức giả…

- Đủ rồi ! Ta không còn gì để nói, nhưng sao ngươi vẫn nhất quyết vứt bỏ những gì đã có chứ?

- Người ta nói đại nhân là năng thần thời trị, gian thần thời loạn. Giúp đại nhân thời loạn thì ta là gì chứ?

Gã bá chủ cúi mặt, thở dài “ không giúp gian thần sẽ là trung thần”… Lão già không để tâm, vẫn cứ chậm rãi bước tới đám binh sĩ: “ Lữ Bố, Trần Cung bất tài, không phải lỗi các ngươi. Muốn chết hãy chết, muốn sống hãy sống. Đứng ở làn ranh của cái chết, hãy suy nghĩ kĩ lưỡng. Đừng nghĩ đến trung thành hay cái gì khác… Trần Cung đã hoàn thành những bước cuối cùng rồi…”

Trần Cung cũng như Bạch Môn Lâu, là di vật của tiền triều, là cũ kĩ, bảo thủ, cố chấp… lòng chỉ hướng về tiền triều đã mất… Những lời của y cũng chỉ để giải thoát cho đám binh sĩ thoát khỏi xiềng xích của phong kiến, để người có thể nói tiếng người, chim vẫn có thể hót tiếng chim…

Lão già ấy ra đi trong cái cung kính của quân địch, một kẻ muốn giữ nhưng không cách chi giữ được… Bạch Môn Lâu chứng kiến cái bản ngã trần trụi của con người, nơi mọi lời lẽ thánh hiền, mọi áp đặt không có chỗ đứng… Một kẻ đã chết để cho chủ mình tiếp tục con đường báo thù, một lão già chết vì cương quyết bám lấy tiền triều hay đơn thuần như lời của y “ta già rồi, không muốn dẫn người khác đến cái chết nữa”… một gã trẻ tuổi khóc tước tưởi khi được giác ngộ, con người cũ của y cũng đã chết, đã cho vị thần chiến tranh sau này tung hoành thiên hạ… nhưng cái kết bất ngờ nhất vẫn là vị cựu chiến thần…

“Tào đại nhân quét tan mây mù, cho Lữ Bố thấy được ánh mặt trời. Lữ Bố làm phản cũng vì các vị cựu tiền triều xúi giục chứ trong lòng không nghĩ như vậy!”
…Đám đông kinh ngạc từ những lời thốt ra từ kẻ địch muôn người ấy… “người này có phải Lữ Bố không? Hay là tên hạ lưu nào vậy?”…
- Gọi ta là gia gia đi ta sẽ tha chết cho ngươi ?

- Gia gia…

Viễn cảnh nực cười nhất thiên hạ đã diễn ra… chiến thần lừng lẫy trong huyền thoại giờ như con chó cùng đường cố ve vẫy đuôi, làm đủ trò để người ta tha mạng… giờ y chưa chết, nhưng ai cũng muốn hắn chết đi, để tình trạng khó xử này mau chấm dứt… kẻ duy nhất tỉnh toán cũng là kẻ có thế lực mạnh nhất thời bấy giờ…
- Một anh hùng thật sự sẽ không sợ chết ư? Ngươi có phải anh hùng không? Có phải là nhân trung Lữ Bố đây không?
… Sợ chết không phải là anh hùng, nhưng chỉ là anh hùng trong lòng bọn phàm phu tục tử, là kiệt tác hư cấu của bọn văn nhân. Vì họ không hiểu được cốt lõi của vấn đề… Người chết thì cần danh tiếng để làm gì ?
Tào Tháo thở dài nhìn lên đỉnh lầu, có lẽ y nhớ tới Đinh Nguyên, Đổng Trác… không phải y không dám dưỡng hổ, mà đơn giản, chỉ có y mới hiểu rõ con hổ này…
“ Anh hùng thật sự biết rằng còn sống mới làm được nhiều việc…

… Dũng khí của các hạ…

… Lớn hơn tất cả mọi người ở đây…

… Hơn tất cả mọi người trong thiên hạ…

… Anh hùng trong thiên hạ… có ai dám chà đạp lên thể diện của mình như vậy…”
Đám đông im lặng… lặng im chứng kiến sự ra đi của chiến thần…Lữ Bố kết thúc cuộc đời huyền thoại của mình tại Bạch Môn Lâu… đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, y lại khiến người ta vỡ òa ra, ngượng ngùng đón nhận một định nghĩa nữa về anh hùng…

…vô số cái chết ở Bạch Môn Lâu là điểm nhấn cho cái kết của một thời đại, kéo theo vô số hài cốt ở Loạn Táng Cương…

… Tối hôm đó, một con người cũ nữa cũng đã chết… đêm đó người ta nghe tiếng cuốc hùng hục giữa khu hầm mộ… sáng hôm sau, Viên quân bị một con quái vật trút lên cơn thịnh nộ…

Cái chết gây nên nỗi buồn, nhưng nó là sự chuyển tiếp một chu kì nữa của sự sống…

….
Phải phá căn nhà cũ thì mới xây căn nhà mới;
Phải ngắt hết những chiếc lá mai già cỗi thì hoa mới nở mỗi khi xuân về; 
Phải xa rời những suy nghĩ trẻ thơ thì chúng ta mới trưởng thành; 
Phải phá tan quá khứ thì tương lai mới đến; 
Phải phá vỡ lề thói cũ thì luật lệ mới sẽ được hình thành; 
Tiếp theo của sự hủy diệt là cái sáng tạo để rồi cái sáng tạo ra sẽ bị hủy diệt.
Triết lý của SHIVA, thần hủy diệt của Ấn Độ giáo.
----------
Để cập nhật những nội dung mới nhất, hãy ấn theo dõi mình qua những kênh bên dưới:
Anchor  
Blogger
 
#nos #hoaphung #podcast


Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Ấn 'Theo dõi' để cập nhật nội dung mới nhất