HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN - CHA VÀ CON

Thủ bút: Hoàng Hưng
Ngày: 04/11/2011
Nguồn: HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN

… Làm một hảo hán trong thời loạn đã khó…
… Làm một người cha đúng nghĩa lại càng khó hơn…
Phụ tử vốn không khắn khít bằng mẫu tử… chưa bao giờ ở chung một hình hài. Nhưng đâu đó sâu thẳm trong cõi hư vô… sự gắn bó ấy lại khôi nguyên và không kém phần da diết…

“Sống ở đời vốn là thân bất do kỉ”… ở trong cùng một cái giếng vốn không thể co rút trong mảnh vườn của riêng mình. Vì thế bao nhiêu trai tráng, bao nhiêu trượng phu lũ lượt kéo nhau ra trận tiền… có thể vì một khát vọng, có thể vì đam mê quyền lực hay đôi khi chỉ đơn giản muốn có miếng cơm manh áo cho gia đình… mạng mình còn khó giữ, nghĩa cha con… giữ sao cho tròn…
“ Mười tám tòng quân, tám mươi mới được về nhà…
Khổ sở đến tám mươi vẫn không chết được… nhìn lớp trẻ hăng hái xông pha nơi sa trường lòng lại càng đau khổ, bất lực…”
Nỗi đau khi nhìn những đứa con của mình lần lượt ra chiến trường… chỉ biết bất lực đứng nhìn từ phía xa xa… cố níu theo bóng hình người con khuất dần sau vó ngựa… vì biết đâu được…

… Đó có thể là lần cuối cùng được nhìn thấy nó…


“Đàn ông tuy dũng cảm bề ngoài nhưng kì thực lại yếu đuối bên trong”, đối mặt trăm ngàn mũi giáo chỉ có tiếng cười hả hê của kẻ sĩ, nhìn loạn tiễn xông tới chỉ có nụ cười chào đón cái kết của võ tướng, nhưng chỉ một kỉ vật của con thơ… đôi chân thép chùn xuống tận nỗi đau, nghẹn ngào trong xa thẳm…

Ở chiến trường vô sỉ, đạo lí là vô nghĩa.
“Ta không cần biết ngươi là con trưởng trong nhà…
… Là cha của đám con thơ…
… Là khúc ruột của cha mẹ…
… Ngươi không chết thì ta chết !”
Quá nửa đàn ông thời này chết dưới 30 tuổi, bất giác nghĩ … “trọng nam khinh nữ” âu lại là chút an ủi cho những gã xấu số của thời cuộc này…

Cái chết không đáng sợ… cái làm những gã trượng phu mủi lòng, chính là những gì của họ còn sót lại nơi trần gian… những giọt máu đào bơ vơ chốn máu lửa… Vì vậy, có vị tướng lĩnh mãi bồng con dưới trướng luận quân cơ, phó mặc ngoài tai tin cấp báo…
“Đại nhân, thua liền năm trận, sĩ khí lụn bại, mong đại nhân nhanh chóng đưa ra quyết sách !
Im ! Các ngươi định làm con ta khóc à ?”
Gã đầu lĩnh của hàng vạn quân buông câu trả lời cộc lốc vào đám tướng sĩ… không phải y bị điên, cũng không phải y phớt lờ số mạng của binh sĩ… chỉ là… y biết rằng y không còn được nhìn thấy gia đình y trong bao lâu nữa. Gã trượng phu miên theo những suy nghĩ cuối cùng về gia đình mình, lặng lẽ chờ đợi thần chết đến đưa y đi…

Làm lính đã khổ, làm tướng nào có sướng chi… Làm trung thần lại càng khổ…

Nước nhà trong cơn hỏa hoạn, là trung thần tuyệt không thể khoanh tay đứng nhìn. Lẽ dĩ nhiên, những gã ngu trung cố bám víu lấy quá khứ, vốn không có mấy cơ hội được nhìn lại khúc ruột của mình, mãi không bao giờ được chứng kiến sự trưởng thành nơi chúng… không thấy được hạnh phúc khi thấy bản sao của mình trong tương lai…

Là nông dân hay tiều phu, là tên vô lại tầm thường hay bá chủ khét tiếng một phương… tất cả đều như nhau. Khi sa cơ… chỉ có nước mắt nghẹn ngào bất lực nhìn nắm ruột của mình. Một câu nói của y có thể khiến vài vạn bá tánh đổ máu, thiên tử - con rồng cũng nằm gọn trong tay y, nhưng y cũng không thể cứu sống con mình giữa loạn tiễn… chỉ có thể đón nhận chút tự hào nơi trí tuệ từ bản sao của mình…
“Sao con ngốc thế? Cha chết rồi con có thể thay cha mà?
Con ngốc à? Phụ thân là thiên tài… mà thiên hạ… lại đang cần người như cha”
Hôm đó gã bá chủ gạt nước mắt, cầm thanh kiếm tiếp tục bước đi theo con đường của mình, mà con đường đó, đã có một phần máu thịt của y ở trong đó… kể từ đó, vì kí ức đó, y không cho phép mình sai lầm một lần nào nữa…

Làm thân nam tử, mang khát vọng chà đạp lên xác người mà vươn lên, chưa bao giờ y lung lay, chưa bao giờ y sợ hãi, chưa bao giờ y thấy đau… người đời gọi y là dã thú, dã thú năm đó cũng đã cất tiếng gầm trong lần gào thét cuối cùng… nhưng đó là lần nó giống con người nhất…
“Nó vẫn ôm chặt ta nhưng không nói gì… hai bàn tay tuy nhỏ bé nhưng lại sắc nhọn như mười mũi kim… đang xuyên qua áo giáp cắm vào da thịt…tim ta chưa lặng… chỉ là cần một câu nói..”
“Là người họ Lã… được ra trận cùng cha… chết không hối tiếc…”
Bóng đêm có lẽ đã che đi giây phút xúc động của kẻ mà người đời gọi là chiến thần, cố giữ cho cái oai phong lẫm liệt của y còn vẹn nguyên, nhưng mọi thứ lại vỡ nát… mọi kế hoạch nhanh chóng biến mất khỏi tâm trí, hắn biết… giây phút chia ly này sẽ tới… nhưng nó khủng khiếp gấp trăm lần mọi lời sỉ vả, phỉ nhổ, mọi vết thương mà cái thời loạn này mang đến cho hắn…
“Con gái bé bỏng của ta… đừng đi nhanh quá…”
Hạnh phúc của người cha có lẽ là được thấy niềm tin và khát vọng của mình được thực hiện bởi chính bản sao của mình… một nữ anh thư trong phút lâm chung vẫn cố hét lên rằng “không đau”, để phụ thân có thể tự hào dù là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi… là một gã bá vương đánh đông dẹp tay, không sợ trời không sợ đất chỉ mong nhanh chóng trả được mối thù cho cha… Nhưng thứ hạnh phúc nhỏ bé ấy… không phải ai cũng có được, thậm chí là kẻ đứng đầu gia tộc lớn nhất trong thiên hạ, ba đời trung thần…

Cả đời tranh đoạt, cuối cùng cũng chỉ mong hậu nhân được thừa hưởng chút gì từ thành quả đó. Giấc mộng bá vương luôn cần được truyền lại cho đúng người có khả năng. Thế nên mới có người cha nguyện làm kẻ xấu, gieo rắc nỗi căm hờn vào con mình để nó sớm thoát khỏi cái giếng của mình… kẻ làm cha đôi khi cũng chỉ mong những dấu hiệu yên bình nhất, có cái để tin tưởng vào giấc mơ của mình… thậm chí, để giấc mơ của mình thành hiện thực thì cái chết của bản thân cũng chỉ làm y thêm phấn khởi, ngậm cười mà thốt lên một câu “Phương nhi, bố cục hoàn mỹ quá”…

Nhưng “trời cao đố kỵ người tài”… điềm báo cuối cùng mà gã đầu hai thứ tóc nhận được lại trớ trêu như chính cái quan hệ cha con mà y nuôi dưỡng…
“Biển lửa màu đỏ, thân hạc bị đốt lại càng đỏ hơn…”
Hôm đó hắn đã ngã xuống… giống như Viên gia chuẩn bị lùi vào quá khứ. Quan Độ đã kết thúc… một cuộc chiến lớn đã kết thúc… rồi sẽ tới lúc một cuộc chiến lớn khác… kết thúc…

Giống như một cơn hỏa hoạn thiêu rụi cả khu rừng nhưng rồi từ đống tro tàn, những chồi non sẽ mọc lên… không ai có thể tồn tại mãi mãi… chỉ có lưu truyền cho hậu nhân… những chồi lên rồi sẽ lớn lên trong dáng dấp của những cây đại thụ năm xưa… có thể sẽ có những trận hỏa hoạn khác, nhưng sự khắn khít, tương đồng vẫn sẽ còn mãi với thời gian…
Đó… là thâm ý của sự sinh sôi…
----------

Để cập nhật những nội dung mới nhất, hãy ấn theo dõi mình qua những kênh bên dưới:

Blogger 

 #nos #hoaphung #podcast

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Ấn 'Theo dõi' để cập nhật nội dung mới nhất