HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN - HỮU HÌNH BẤT LỤY VẬT VÔ TÍCH KHỨ TÙY PHONG

Thủ bút: Thanh Du
Ngày: 31/08/2010
Nguồn: HỘI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ HỎA PHỤNG LIÊU NGUYÊN


Khi mới xuất hiện trong HPLN, Tôn Sách gần như trắng tay. Cha mất, gia tộc phân tán. Kẻ thù sát phụ vẫn nhởn nhơ trước mắt. Mười bảy tuổi đã phải gánh trọng trách phục hưng gia tộc. Y chấp nhận khuất thân dưới trướng Viên Thuật, một kẻ giả nhân giả nghĩa, làm một con cờ cho kẻ khác lợi dụng, chỉ chờ một ngày Tôn gia có thể ngẩng cao đầu. Thứ y có chỉ là danh tiếng đã lụi tàn của cha, của gia tộc, vài vị trung thần và một hảo huynh đệ tài trí vô song hết lòng vì y. Vậy mà một khi mãnh hổ phá cũi lại khiến cả Giang Đông chao đảo.Y đánh đâu được đó, đi tới đâu, lòng người quy phục đến đó. Tất cả dường như vô cùng thuận lợi. Trong vài năm đã chiếm được Giang Đông, khiến người ta nghi ngờ y phải chăng đã gặp quỷ?

Có kẻ nói Tôn Sách nhờ vào danh tiếng của cha mà lập danh, thực sự là như thế? Cái ngày Tôn Vũ làm đại tướng nước Ngô đã qua rất lâu. Tôn Kiên tham gia liên minh Quan Đông cũng có chút tiếng tăm, nhưng khi chết đi chỉ là thái thú một quận, lại mang danh tư tàng ngọc tỷ, mưu đồ bất chính. Thời đại loạn lạc, chư hầu cát cứ khắp nơi, danh môn vọng tộc như thế nhiều không kể xiết. Vả lại, họ Lưu trên danh nghĩa vẫn là hoàng tộc. Trong số đó, nào phải ai cũng làm được như y? Đó là luận về danh nghĩa, còn luận về thực lực, khi Tôn Kiên chết, phần lớn binh lực đã theo Ngô Cảnh và Tôn Bí đầu về dưới trướng Viên Thuật. Về sau Tôn Sách khởi nghiệp, bộ hạ cũ của Tôn Kiên không quá nghìn người. Nếu không nhờ y dũng mãnh cơ trí, đánh đâu thắng đó, danh tiếng lẫy lừng, Tôn gia có thể khôi phục được không?

Tôn Sách có được thành công chóng vánh như vậy, không phải chỉ vì danh tiếng, không phải chỉ vì sức lực và tài trí hơn người, mà còn vì ở y có một sức hút không thể cưỡng lại, khiến kẻ khác nguyện ý phát huy hết khả năng của mình để phù trợ.
Sử sách cũng ghi nhận: "Kẻ sĩ nhìn thấy Tôn Sách, không ai không tận tâm, vui vẻ nhận lấy cái chết".
Còn nhớ Bát kỳ trước khi xuất sơn đều mất một thời gian dài quan sát, lựa chọn minh chủ để phò tá, vì phò sai chủ là cái sai không thể cứu vãn. Chu Du chọn theo y không một khắc đắn đo, không phải chỉ vì y là huynh đệ kết bái của mình. Con trai kẻ đã hi sinh để giúp y hoàn thành đại nghiệp, dù lòng mang hận thù, nhưng vẫn cam nguyện một lòng trung thành với Tôn gia. Thái Sử Từ ngay cả khi giao chiến với y, cũng phải than kiếp này không được làm thuộc hạ của y thật đáng tiếc. Và rồi nhát dao của y cắt dây trói cho Thái Sử Từ, cũng đồng thời giải thoát cho một kẻ mê muội khỏi những định kiến cố hữu về trung nghĩa mà người sống dưới thời đại này luôn luôn tâm niệm. Có thể thấy Tôn Sách sinh ra để làm bá chủ, một bá chủ cuồng ngạo, dám đi ngược lại tư tưởng chính thống, nhưng lại khiến người người quy phục. Y được lòng người không phải vì nhân từ khoan dung, cũng không phải vì vũ lực, mà vì y gây cho kẻ khác cảm giác gần gũi, chân thật. Quan niệm của y chính là nhân sinh, không phải thứ lý lẽ giáo điều bọn hủ nho vẫn thường rêu rao. Y coi thuộc hạ là bằng hữu, gắn bó với họ bằng tình nghĩa, điều mà các bá chủ khác không có được. Điều này một phần lý giải cho thành công chóng vánh của y khi tuổi còn rất trẻ.

Tôn Sách là một kẻ ngông cuồng, không sợ trời đất, không tin quỷ thần, tự do tự tại không bị bất cứ thứ gì ràng buộc. Trong mắt y, lý lẽ thánh hiền là công cụ để tầng lớp thống trị bảo vệ quyền lợi cho mình, trung nghĩa mà người đời ca ngợi chỉ là một thủ đoạn hạ lưu để trói buộc kẻ mê muội. Thứ duy nhất y tin tưởng là bản thân mình và cũng chỉ làm theo ý muốn bản thân. Thậm chí nhiều khi lời can ngăn của Chu Du, y cũng không nghe theo.Y dám làm chuyện bất nhân bất nghĩa, không ngại tiếng xấu, không sợ quả báo. "Ta thề, nếu trời có đạo, phải cho ta chịu nhiều đau đớn, chết không an ổn". Y điên cuồng, liều lĩnh, dám đánh cược với chính mạng sống của mình, nhưng khi cần cũng có thể ẩn nhẫn như mãnh hổ rình mồi. Sức mạnh của y không chỉ nằm ở thể lực mà còn ở cái tâm cuồng nhiệt, trí tuệ sắc bén và một sức thu hút mãnh liệt.

Còn nhớ mỗi lần sắp làm việc lớn, Tôn Sách đều giơ tay hỏi trời. Đã có ai dám ngạo mạn như thế? Chi tiết này thể hiện một mâu thuẫn lớn trong lòng Tôn Sách: y chỉ tin tưởng vào bản thân, nhưng lại không muốn nghịch ý trời. Cũng như chữ “trung” trong lòng y, tồn tại mà không tồn tại. Thực ra y tin có trời không? Có, nhưng ông trời đó nhất định phải ủng hộ mình. Hỏi, nhưng cũng chính là áp đặt, vì dù câu trả lời ra sao, y cũng không thay đổi quyết định. Nếu ông trời đó dám trả lời “không”, y sẽ phủ nhận cả trời.

Nếu có thể dùng một chữ để miêu tả con người Tôn Sách, thì đó chính là chữ “NGẠO”

Nhưng Tôn Sách vì cái ngạo của mình mà nung nấu quyết tâm phục hưng gia tộc, vì cái ngạo của mình mà khiến người người quy thuận, lại cũng chính vì chữ “ngạo” mà thân vong, ôm hận nghìn thu.

Đôi khi có những chuyện trớ trêu như thế. Chiến tướng một đời kiêu hùng không chết nơi sa trường, trong lúc giao tranh, lại chết vì môt mũi ám tiễn.
Giơ tay hỏi trời cao, thuỷ chung vẫn chỉ có im lặng đáp lời.
Bao nhiêu phong lưu, bao nhiêu mộng lớn, bao nhiêu xuân thu…
Hết cả rồi. Thế sự nhất trường đại mộng, nhân sinh kỷ độ thu lương. Năm tháng trôi qua, đời người hữu hạn. Mộng lớn không thành, anh hùng ôm hận. Khi sống oanh liệt, khi chết lụi tàn. Đến tột cùng là sống vì điều gì? Mơ ước điều gì? Đã đạt được điều gì? Để rồi cuối cùng, chẳng còn lại gì. Làm chủ cả thiên hạ hay sa cơ thất thế, chẳng phải khi chết đi cũng đều như nhau? Đáng tiếc thay, kẻ mang tham vọng trong thiên hạ cứ mãi đuổi theo những ảo tưởng xa vời, chỉ khi sắp giã từ cõi đời mới hiểu được điều đơn giản ấy.

Ngoạn mục nhưng không rực rỡ, lên xuống là vô thường. Phải chăng câu này chính là nói về cuộc đời y?

Dù sao, sự ra đi của Tôn Sách cũng là một nốt lặng, một khoảnh khắc lắng đọng trong bản hùng ca dài. Bách tính Giang Đông thương xót y, thuộc hạ vì y mà thêm quyết tâm. Huynh đệ cố nén đau thương ngày đêm túc trực, mong níu giữ sinh mạng sắp lụi tàn của y. Kẻ tri kỉ đến phút cuối cùng vẫn cố tìm cho y một tia hi vọng sống. Có lẽ lúc đó với họ y không còn là bá chủ vang danh thiên hạ, mà chỉ là một người vô cùng thân thiết mà thôi. Người đời có thể chế giễu y, cười nhạo y, nhưng họ vẫn luôn ủng hộ y, dù y có sa cơ thất thế hay mắc phải sai lầm gì. Thứ gắn bó con người không phải bao giờ cũng là lý tưởng, mục tiêu hay lợi ích, mà chỉ là một chữ tình. Đôi khi suy nghĩ của y quá sâu xa để rồi có những điều đơn giản như vậy lại không hiểu được...
Nhất điều kế, nhất trường chiến dịch. Nhất điều mệnh, nhất phiến giang sơn.
Ngay từ đầu thứ Tôn Sách theo đuổi là bá nghiệp cho Tôn gia, chứ không phải sự nghiệp của riêng mình. Y không tiếc mạng sống của mình hoàn toàn không phải vì khinh suất, mà vì y luôn tính toán sao cho có lợi nhất cho gia tộc. Khi y chết đi, Tôn Quyền vẫn còn là một thiếu niên, nhưng đối mặt với trọng trách huynh trưởng để lại, cũng đã từng bước trưởng thành. Rồi sau này thuộc hạ y, bằng hữu y sẽ hết lòng phò trợ Tôn Quyền cũng như đã từng phò trợ y, Giang Đông qua cơn đại nạn sẽ lại yên bình. Không cần một lời dặn dò, phó thác nào, mọi sự sẽ tự nhiên ổn định trở lại như nó vốn có. Tôn Sách hiểu rõ, dù y chết đi, chỉ cần có người kế tục, tất cả vẫn chưa chấm dứt. Cũng như cỏ dại trên đồng dù bị lửa thiêu rụi, chỉ cần gốc rễ còn là mệnh chưa tuyệt, chờ gió xuân mà hồi sinh trên tro tàn. Như phượng hoàng tái sinh từ trong lửa đỏ, cái chết lại là khởi nguồn cho sự sống. Thâm ý của sinh sôi chính là như thế?

Còn nhiều điều để nói về cái chết của Tôn Sách, nhưng thực sự ấn tượng trước hình ảnh Tôn Sách trở về là một đứa trẻ, ngủ yên trong vòng tay độ lượng của cha. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, y luôn luôn bị dằn vặt. Y lo sợ phải đối mặt với người cha trung thần của mình, sợ bị bỏ rơi và xa lánh như một kẻ phản bội. Nhưng người cha đã tha thứ tất cả, ôm đứa con vào lòng như ngày thơ bé. Đúng hay sai, là trung thần hay gian thần đã không còn quan trọng. Tình cảm tự nhiên đã chiến thắng cả những định kiến mà kẻ trung thần đeo đuổi suốt một đời.

Sử sách nói Tôn Sách tính tình phóng khoáng, hay cười, nhưng từ khi xuất hiện trong HPLN đến giờ dường như y chưa bao giờ thực sự cười. Chỉ duy nhất một lần y cười thực sảng khoái, là khi giao chiến với Thái Sử Từ trên đỉnh Thần Đình. Còn lại thuỷ chung chỉ là những cái nhếch môi tựa tiếu phi tiếu, như có như không mà ngạo mạn thách thức cả thiên hạ. Nhưng trước khi lìa đời, y đã cười vô ưu vô tư trong lốt một đứa trẻ. Một nụ cười đã đánh mất bao lâu? Có lẽ là từ ngày dấn thân vào con đường bá chủ, từ ngày mang trong mình những mâu thuẫn, dằn vặt khôn nguôi. Chỉ đến khi trở lại với con người thuần khiết khi xưa và được người cha đón nhận, y mới thực sự thanh thản.

Đến cuối cùng, chẳng còn lại gì. Thứ duy nhất y giữ được là sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn.
Mệt rồi, hãy để nó an nghỉ...
Ngủ đi. Quên đi tất cả ưu tư phiền muộn. Bỏ lại đằng sau tranh chấp và hận thù. An nhiên ngủ như một đứa trẻ. Tất cả đã qua rồi.

Và nước mắt kẻ tri kỉ đã rơi, cho một giấc mơ tan vỡ. Giấc mơ nhất thống thiên hạ, lưu danh sử sách muôn đời. Giấc mơ ấp ủ từ lần đầu tiên gặp gỡ của hai kẻ đầy hùng tâm tráng chí giữa thiên hạ đại loạn. Mười năm tương giao, đến tột cùng chỉ là một giấc mộng dài. Để rồi trong một khắc nước mắt y rơi, tất cả ngưng đọng lại rồi vụn vỡ thành trăm mảnh. Trong tâm đã có thứ gì đó vĩnh viễn mất đi.Mười năm tri kỉ, mười năm mộng.Một khắc lệ rơi trọn chân tình...

Nếu Tôn Sách không chết, lịch sử sẽ thay đổi ra sao? Không ai biết được, vì cuộc đời y là một bí ẩn mãi mãi không thể giải đáp. Nhưng chắc chắn cục diện khi đó sẽ rất khác. Ít ra, Tôn Sách đã phá Giang Hạ, chiếm Lư Giang, trực tiếp đối đầu với Tào Tháo. Tương lai khi Viên Tào khai chiến, chắc chắn y sẽ không ngồi yên. Với tham vọng của Tôn Sách, không thể đoán trước y sẽ tiến xa tới đâu. Nhưng bánh xe lịch sử không thể quay ngược. Giang Đông mất đi Tôn Sách, đành từ bỏ vọng tưởng đuổi hươu trung nguyên, an phận thủ thường đứng nhìn thiên hạ giao tranh, cũng là một điều đáng tiếc.

Hữu hình bất lụy vật, vô tích khứ tùy phong. Thích câu này, mặc dù nghĩ Tôn Sách giống gió hơn. Mây phù du nhưng vẫn hữu hình, tuy vô ưu nhưng vẫn bị ràng buộc. Gió thổi tới đâu, mây bay tới đó. Chỉ có gió là tự do tự tại nhất, không ai có thể níu giữ. Lai vô ảnh, khứ vô tung. Phóng khoáng mà vô hình tuyệt đối. Chỉ khi gió làm lay động vạn vật, người ta mới biết nó tồn tại...
Như gió, như mây. Bay đi rồi... Tan biến rồi...có bao giờ trở lại?
----------
Để cập nhật những nội dung mới nhất, hãy ấn theo dõi mình qua những kênh bên dưới:

#nos #hoaphung #podcast 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Ấn 'Theo dõi' để cập nhật nội dung mới nhất